VAI TRÒ CỦA TRÒ CHƠI NGÔN NGỮ TRONG GIẢNG DẠY TIẾNG ANH
Hiện nay, tiếng Anh được sử dụng ở hầu hết mọi lĩnh vực trong cuộc sống và nó được coi là ngôn ngữ quốc tế số một trên thế giới. Vì thế, việc học và sử dụng tiếng Anh ngày càng tăng. Ở Việt Nam, tiếng Anh ngày càng chiếm vị trí quan trọng và đang là môn ngoại ngữ được sử dụng phổ biến nhất. Trước đây, việc giảng dạy ngôn ngữ chủ yếu chú trọng vào cấu trúc câu và ngữ pháp. Người học tiếng Anh thành công hay thất bại phụ thuộc vào khả năng nắm vững các quy tắc về ngữ pháp và cấu trúc câu tiếng Anh. Ở thời điểm đó, việc giảng dạy ngoại ngữ bị chi phối bởi phương pháp dạy truyền thống, trong đó giáo viên là người chi phối mọi hoạt động dạy và học trên lớp và môi trường học tập chủ yếu là môi trường lấy người dạy làm trung tâm.
Tuy nhiên, cùng với sự thay đổi của xã hội, phương pháp dạy học cũng thay đổi theo để đáp ứng nhu cầu sử dụng thành thạo các kỹ năng giao tiếp tiếng Anh ngày càng tăng. Chính nhu cầu này đã tạo ra đòi hỏi cao về chất lượng giảng dạy, cũng như về các nguồn và tài liệu phục vụ giảng dạy ngôn ngữ. Ngoài ra, nhu cầu về phương pháp giảng dạy phù hợp hiện nay cũng trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Chính vì thế, phương pháp dạy ngoại ngữ hiện nay đã chuyển từ đường hướng lấy người dạy làm trung tâm sang đường hướng lấy người học làm trung tâm. Ở đó, người học được giao tiếp trong môi trường giao tiếp thực sự, được hoạt động theo cặp, hay theo các nhóm nhỏ để thực hiện các công việc cụ thể. Người học có cơ hội được bày tỏ ý kiến hay cảm xúc của mình và được đặt câu hỏi nếu họ không hiểu vấn đề nào đó.
Thực tế, trong dạy và học ngoại ngữ, sinh viên sẽ học hiệu quả hơn nếu họ được học trong bầu không khí học tập vui vẻ, thư giãn và có nhiều cơ hội được giao tiếp trong bối cảnh của thế giới thực. Việc sử dụng các trò chơi ngôn ngữ trong giảng dạy ngoại ngữ là một trong những phương pháp hữu hiệu có thể làm tăng động cơ học tập cho sinh viên, một trong những yếu tố quyết định đến thành công trong việc học ngoại ngữ của họ. Đồng thời, chúng giúp và khích lệ sinh viên duy trì việc học và sự hứng thú của họ với việc học. Ngoài ra, chúng còn giúp cho giáo viên tạo ra những ngữ cảnh mà ở đó ngôn ngữ thực hành rất hữu dụng và dễ hiểu với người học. Người học muốn tham gia vào trò chơi thì họ phải hiểu người khác đang nói gì hay đã viết gì, và họ phải nói ra hoặc viết ra được những điều để trình bày quan điểm riêng của họ hay để trình bày thông tin cho người khác hiểu. Các trò chơi ngôn ngữ có thể được sử dụng để phát triển cả bốn kỹ năng cho sinh viên: Nghe, Nói, Đọc và Viết. Bên cạnh đó còn có những trò chơi phát triển vốn từ vựng, và cải thiện cách phát âm. Các trò chơi còn được áp dụng cho các sinh viên khác nhau ở mỗi trình độ khác nhau.
1. Trò chơi ngôn ngữ tạo ra môi trường học tập vui vẻ
Nhiều trò chơi ngôn ngữ đòi hỏi sinh viên phải hoạt động theo cặp, theo nhóm hay đòi hỏi sự tham gia của cả tập thể lớp học cùng kết hợp với nhau để thực hiện yêu cầu của trò chơi, và để ghi được càng nhiều điểm càng tốt. Thực tế, hầu hết sinh viên đều thích ghi điểm. Đồng thời, thông qua những trò chơi này, sinh viên có động cơ tự nhiên để ôn lại những kiến thức đã học, cũng như để tiếp nhận kiến thức mới một cách hứng khởi. Ngoài ra, để có thể giành chiến thắng trong trò chơi, hay để giải quyết vấn đề gặp phải, từng người chơi phải đóng góp sự hiểu biết hoặc ý kiến của mình. Nhiệm vụ của giáo viên là phải khích lệ để tất cả sinh viên của mình hứng thú thực sự với trò chơi. Trong bầu không khí thư giãn, thoải mái do trò chơi tạo ra, việc tiếp thu thực sự mới diễn ra, và người học sử dụng được những ngôn ngữ mà họ đã được học và đã thực hành trước đó.
2. Trò chơi ngôn ngữ là phương pháp giảng dạy tích cực lấy người học làm trung tâm
Trò chơi ngôn ngữ là phương pháp giảng dạy tích cực theo đường hướng lấy người học làm trung tâm. Để đạt được mục tiêu đề ra của trò chơi, từng cá nhân phải giao tiếp với nhau, nghĩa là họ phải thảo luận trong nhóm với nhau để tìm ra kết quả cuối cùng. Như vậy, người chơi phải sử dụng ngôn ngữ để xóa đi khoảng cách, để trình bày thông tin cần thiết cho việc hoàn thành trò chơi.
Người học sẽ phải thảo luận và tìm cách giải quyết để đạt được mục đích của trò chơi. Bằng cách này, họ phải nói ra hoặc viết ra những điều thể hiện được quan điểm của mình hay để truyền đạt thông tin với đội chơi khác. Điều này có nghĩa là, trò chơi tạo cơ hội cho sinh viên giao tiếp với nhau, thậm chí những học sinh rụt rè, thiếu tự tin cũng bị cuốn hút vào loại hoạt động này. Ngoài ra, giáo viên không còn đóng vai trò là người kiểm soát và chi phối mọi hoạt động trên lớp, cụ thể là những điều sinh viên phải trình bày. Trong trò chơi ngôn ngữ, họ chỉ đóng vai trò là người hướng dẫn, tổ chức, điều khiển trò chơi và là người cung cấp thông tin.
3. Trò chơi ngôn ngữ làm tăng động cơ học tập cho người học
Trò chơi là nguồn khích lệ, tăng cường hứng thú học tập cho sinh viên và thường được coi là bước khởi động thu hút sự chú ý của sinh viên vào môi trường giảng dạy ngoại ngữ. Ngoài ra, nó còn được xem là phương tiện kiểm soát lớp học. Theo Hallowen (1989) các trò chơi ngôn ngữ tăng cường động cơ học tập cho sinh viên ở mức độ lớn hơn so với sách giáo khoa thông thường, hay các tài liệu học tập, do chúng đòi hỏi và thúc đẩy sinh viên phải tham gia tích cực vào trò chơi.
Đối với hầu hết các trò chơi, sự cạnh tranh giữa những người chơi và đội chơi là một nhân tố làm tăng mạnh mẽ động cơ học tập cho họ, khích lệ họ tham gia trò chơi. Đây cũng là lý do quan trọng nhất khiến hầu hết sinh viên trở nên hứng thú và bị lôi cuốn vào các trò chơi.
Ngoài ra, với giờ thực hành ngôn ngữ dồn dập trong thời gian dài thì rất ít sinh viên có thể tập trung vào việc học được. Thậm chí, rất ít sinh viên thu được hiệu quả thực sự từ cách học này. Việc sử dụng trò chơi trong giảng dạy là một trong những cách hữu hiệu nhất để tạo cho sinh viên những giờ học trên lớp thoải mái và thú vị để có thể duy trì động cơ học tập cho họ. Bên cạnh đó, khi sinh viên có cơ hội để tham gia trò chơi trên lớp, họ sẽ được khuyến khích lựa chọn bạn chơi cùng với mình. Điều này không chỉ tạo ra không khí học tập thân thiện mà còn khích lệ họ giúp đỡ lẫn nhau. Những sinh viên nào kém hơn thì được những sinh viên giỏi hơn trong nhóm giúp đỡ để trở nên tự tin hơn và có thể mạnh dạn bày tỏ ý kiến của mình. Kết quả là tất cả sinh viên trong lớp đều cảm thấy thích thú hơn, và có nhiều động cơ để tham gia vào trò chơi hơn, mà động cơ học tập là một yếu tố không thể thiếu được trong quá trình thu nhận kiến thức của sinh viên. Nó là nhân tố chính quyết đinh sự thành công hay thất bại của họ. Sự thành công và động cơ học tập có mối tương hỗ nhau: nếu người học thành công học tập, họ sẽ càng có nhiều động cơ hơn để thực hiện những nhiệm vụ do quá trình học đặt ra.
4. Trò chơi tăng cường sự cộng tác và tính cạnh tranh
Sự cộng tác và tính cạnh tranh là yếu tố cần thiết làm tăng động cơ học tập cho người học tiếng Anh. Điều này là đúng vì trò chơi không chỉ khuyến khích sự cạnh tranh giữa họ mà còn khích lệ sự hỗ trợ lẫn nhau trong nhóm. Sinh viên yêu thích các trò chơi mang tính cạnh tranh. Và chính yếu tố cạnh tranh là động cơ để họ thành công trong trò chơi. Tuy nhiên, trong trò chơi cạnh tranh thì điều được người chơi quan tâm nhất đó là sự chiến thắng. Như vậy, những sinh viên càng có khả năng hơn thì nhận được nhiều khen ngợi, khiến cho những sinh viên kém hơn trở nên mất uy tín trong lớp. Bởi thế, bên cạnh việc tổ chức các trò chơi mang tính cạnh tranh trên lớp, thì tổ chức các trò chơi mang tính hợp tác, khuyến khích sự hỗ trợ lẫn nhau là điều cực kỳ quan trọng.
Các trò chơi ngôn ngữ đòi hỏi sinh viên phải hợp tác với nhau trong khi đóng vai (role-playing), tranh luận, thảo luận, và sử dụng ngôn ngữ trong nhiều tình huống khác nhau phụ thuộc vào từng loại trò chơi được tổ chức trên lớp. Điều này rõ ràng thúc đẩy cơ hội giao tiếp giữa sinh viên với nhau. Đây chính là mục đích của quá trình giảng dạy ngoại ngữ, đồng thời thúc đẩy sự hợp tác và cạnh tranh giữa họ. Đây cũng là hai yếu tố cơ bản làm tăng động cơ học ngoại ngữ nói chung, và học tiếng Anh nói riêng.
Để giành chiến thắng cho bản thân hay cho nhóm của mình, người chơi cố gắng hết sức là người đầu tiên tìm ra câu trả lời cũng như giành được điểm về cho đội của mình. Vì thế, khi tham gia trò chơi, người chơi sẽ ít chú ý đến cấu trúc hay dạng câu mà chỉ chú ý đến cách giao tiếp sao cho tự nhiên hơn. Người chơi sẽ hợp tác với nhau bằng cách chia sẻ những thông tin họ nhận được để hoàn thành nhiệm vụ và yêu cầu trò chơi đặt ra cho họ. Đó chính là sự cộng tác và hợp tác giữa các sinh viên với nhau trong các trò chơi ngôn ngữ.
5. Trò chơi cung cấp sự phản hồi ngay tức thì và thông qua đó kiểm tra kiến thức của sinh viên một cách không chính thức
Bất cứ khi nào giáo viên trình bày một ý kiến, hay một vấn đề mới mẻ liên quan đến ngôn ngữ, thì họ luôn muốn biết liệu học sinh của họ hiểu được nhiều hay ít các ý kiến hay vấn đề họ đưa ra. Và cách thông thường họ thường sử dụng để đánh giá học sinh là thông qua bài kiểm tra viết hoặc nói. Tuy nhiên, hình thức đánh giá này đòi hỏi phải mất nhiều thời gian. Bởi vì, giáo viên không thể chấm thi và trả tận tay cho sinh viên bài kiểm tra viết ngay trên lớp. Họ phải mất thời gian khá lâu để chấm và trả bài. Trong khi đó, sự phản hồi ngay sau khi giáo viên giảng bài thì mới có hiệu quả.
Các trò chơi ngôn ngữ có thể được sử dụng để phát triển cả bốn kỹ năng cho sinh viên: Nghe, Nói, Đọc và Viết. Bên cạnh đó còn có những trò chơi phát triển vốn từ vựng, và cải thiện cách phát âm. Các trò chơi còn được áp dụng cho các sinh viên khác nhau ở mỗi trình độ khác nhau.
Để việc sử dụng các trò chơi ngôn ngữ mang lại hiệu quả cao trong dạy và học tiếng Anh, giáo viên nên xem việc sử dụng trò chơi là một phần không thể thiếu trong giờ học, liên tục tổ chức các trò chơi để sinh viên tham gia trên lớp, tạo bầu không khí học tiếng Anh vui vẻ, thư giãn, nhiệt huyết, và mang tính hợp tác. Ngoài ra, giáo viên nên chú trọng việc lựa chọn những trò chơi phù hợp với trình độ của sinh viên. Trò chơi sẽ trở nên khó thực hiện nếu những yêu cầu, hay chủ đề của nó không phù hợp hoặc nằm ngoài khả năng của sinh viên. Rõ ràng là những trò chơi như thế này không mang lại lợi ích cho cả người dạy lẫn người học.
- NHỮNG KỸ NĂNG CẦN CÓ CỦA NGHỀ BIÊN - PHIÊN DỊCH TIẾNG ANH
- NÂNG CAO KỸ NĂNG NÓI TIẾNG ANH CHO SINH VIÊN NGÀNH NGÔN NGỮ ANH TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA
- SỬ DỤNG CÁC YẾU TÔ VĂN HÓA TRONG GIẢNG DẠY TIẾNG ANH
- ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG DẠY HỌC NGOẠI NGỮ
- NHỮNG CÁCH HỌC TIẾNG ANH GIAO TIẾP HIỆU QUẢ
- Làm thế nào cải thiện kỹ năng Reading trong IELTS
- MỘT SỐ TRÒ CHƠI NGÔN NGỮ ĐƯỢC ỨNG DỤNG TRONG GIẢNG DẠY TIẾNG ANH
- VAI TRÒ CỦA TRÒ CHƠI NGÔN NGỮ TRONG GIẢNG DẠY TIẾNG ANH
- Phương pháp giúp cải thiện kỹ năng Viết tiếng Anh
- Hoạt động nghe trong giảng dạy kỹ năng nghe tiếng Anh