SỰ TƯƠNG ĐỒNG VÀ KHÁC BIỆT TRONG NGÔN NGỮ VIỆT NAM, LÀO
Ngôn ngữ (tiếng nói) là sản phẩm cao cấp của ý thức con người, là vật chất được trừu tượng hóa và là hệ thống tín hiệu thứ hai của con người. Ngôn ngữ là một phương tiện, một công cụ để con người giao tiếp với nhau, trao đổi tư tưởng và đi đến hiểu nhau. Mỗi một ngôn ngữ đều gắn liền đặc trưng một nền văn hóa của dân tộc đó. Ngôn ngữ không những được nghiên cứu như một hệ thống tín hiệu thuần túy mà còn được xem xét dưới nhiều bình diện khác nhau của mọi hoạt động giao tiếp. Trong quá trình học ngoại ngữ, nếu biết được những điểm tương đồng và khác biệt giữa ngôn ngữ gốc và ngôn ngữ đích sẽ mang lại hiệu quả hơn. Chẳng hạn việc nhận biết những điểm tương đồng và khác biệt trong ngôn ngữ Việt Nam – Lào sẽ giúp việc dạy và học tiếng Việt cho LHS Lào đạt kết quả cao hơn.
1. Về thanh điệu
Thanh điệu là một loại âm vị siêu đoạn tính, có tác dụng làm thay đổi ý nghĩa của các đơn vị ngôn ngữ. Thanh điệu được thể hiện cùng với toàn bộ âm tiết, hay đúng hơn là toàn bộ phần thanh tính của âm tiết. Tiếng Việt là một thứ tiếng có khá nhiều thanh điệu: 6 thanh điệu, trong khi có một số ngôn ngữ chỉ có 3 hoặc 4 thanh điệu.
Có thể có 4 cách phân loại thanh điệu: xét về cao độ, xét về đường nét âm điệu, xét về sự biến thiên của thanh điệu và xét về động tác nghẽn thanh hầu.
Tuy nhiên, đối với việc phân biệt ý nghĩa của các đơn vị ngôn ngữ, ta chỉ cần ghi nhớ hai tiêu chí đầu. Đó là:
– Tiêu chí cao độ:
Thanh điệu tiếng Việt đối lập nhau ở hai cao độ cơ bản: cao độ cao và cao độ thấp. Đó là sự đối lập về âm vực. Theo tiêu chí này ta phân biệt:
+ Thanh điệu cao, tức là những thanh điệu được phát âm ở âm vực cao. Loại này bao gồm các thanh: thanh ngang, thanh sắc, thanh ngã.
+ Thanh điệu thấp, tức là những thanh điệu được phát âm ở âm vực thấp. Đó là các thanh: thanh huyền, thanh hỏi, thanh nặng.
– Tiêu chí âm điệu:
Trên mỗi âm vực, các thanh điệu còn khác nhau về quá trình diễn biến của cao độ theo thời gian. Đó là sự khác nhau về đường nét âm điệu. Theo tiêu chí này, ta phân biệt:
+ Thanh điệu bằng phẳng (còn gọi là thanh bằng). Đây là những thanh điệu mà khi thể hiện, đường nét âm điệu diễn biến bằng phẳng, đồng đều từ đầu đến cuối, không có sự lên xuống bất thường. Đó là các thanh: thanh huyền và thanh ngang.
+ Thanh điệu không bằng phẳng (cũng còn gọi là thanh trắc). Đây là những thanh điệu có âm điệu diễn biến phức tạp, khi lên khi xuống, thể hiện ra bằng một đường nét không bằng phẳng: thanh sắc, thanh ngã, thanh hỏi, thanh nặng.
Sự thể hiện và sự phân bố của thanh điệu
Thanh điệu trong tiếng Việt được thể hiện như sau:
– Thanh 1: thanh ngang (không được ghi trên chữ viết nên cũng gọi là thanh không dấu), xuất hiện trong tất cả các âm tiết, trừ âm tiết khép. Ví dụ: cây cam, mưa xuân, công ty. Nhưng không thể có các âm tiết như: lach, bat, lac…
– Thanh 2: thanh huyền [ghi bằng dấu huyền (`)], thấp hơn thanh ngang một bậc. Giống như thanh 1, thanh này có thể xuất hiện trong các âm tiết không phải là âm tiết khép, ví dụ: cà, sàn, bằng, đàm.
– Thanh 3: thanh ngã [ghi bằng dấu ngã (~)] là thanh điệu thuộc âm vực cao (bắt đầu thấp hơn và kết thúc cao hơn), có thêm động tác nghẽn thanh hầu.
Thanh ngã cũng không thể xuất hiện trong các âm tiết khép. Ví dụ: xã, mãn nhãn, sững sờ.
– Thanh 4: thanh hỏi [ghi bằng dấu hỏi (?)] là thanh điệu thuộc âm vực thấp. Khi phát âm, điểm bắt đầu và kết thúc thanh điệu đều ở âm vực thấp.
Thanh này xuất hiện trong tất cả các âm tiết không phải là âm tiết khép. Ví dụ: vả lại, hỏi han, cảm cúm, cảng biển, cảnh đẹp.
– Thanh 5: thanh sắc [ghi bằng dấu sắc (')] là thanh điệu thuộc âm vực cao. Khi phát âm, điểm xuất phát thấp hơn thanh ngang một chút và điểm kết thúc ở âm vực cao. Ngoài ra, khi kết thúc còn phải có thêm động tác nghẽn thanh hầu.
Thanh này có thể xuất hiện trong tất cả các kiểu âm tiết. Ví dụ: khá lớn, bí quyết, chính thức, sáng sớm.
– Thanh 6: thanh nặng [ghi bằng dấu nặng (.)] là thanh điệu thuộc âm vực thấp. Khi phát âm, điểm xuất phát gần với độ cao xuất phát của thanh huyền nhưng kết thúc đột ngột ở độ cao thấp hơn. Thanh nặng xuất hiện ở tất cả các kiểu âm tiết. Ví dụ: lạ đời, chợ xuân, lợi ích, lạm dụng, trục trặc, bẹp ruột.
Trong ngôn ngữ giao tiếp ở Lào, tiếng Lào là ngôn ngữ chính của quốc gia Lào, đây là một ngôn ngữ thuộc hệ ngôn ngữ Tai-Kadai, chịu ảnh hưởng của tiếng Phạn. Tiếng Lào cũng là ngôn ngữ truyền thống của hoàng gia Lào dùng để truyền đạt tư tưởng Ấn Độ giáo và Phật giáo. Tiếng Lào có ảnh hưởng ít nhiều đến những sinh ngữ khác trong vùng đối với các lân bang như tiếng Thái, tiếng Khmer, tiếng Việt. Tiếng Lào được coi là một ngôn ngữ hỗn hợp ở bán đảo Đông Nam Á.
Cũng giống như tiếng Việt, tiếng Lào cũng có 5 thanh điệu tương đương với 5 thanh điệu của tiếng Việt, tuy nhiên có một thanh điệu được gọi là luyến lên – luyến xuống lại được biến đổi tùy từng trường hợp sử dụng. Cách phát âm của người Lào nói chung cũng mang dấu ấn văn hóa, tính cách con người Lào, đó là tuy cũng có 5 thanh điệu nhưng những thanh điệu của tiếng Lào được chia theo chiều hướng ngữ điệu cao là cao vút lên, ngữ điệu thấp là thấp hẳn xuống. Điều này thể hiện một phần tính cách ngay thẳng, dứt khoát, thật thà, rõ ràng của cư dân Lào. Ngữ điệu tiếng Lào được quy định bởi 5 thanh điệu:
- Thanh cao (thanh sắc) được tạo bởi mái tri và được viết là " ໊ " như trong từ ກ໊າ và được phát âm là "cá"
- Thanh thấp (thanh huyền) được tạo bởi mái ệc và được viết là ‘ ่ ’ tức là một dấu nháy như thanh sắc ở phía trên, ví dụ trong từ ກ່າ được phát âm là "cà"
- Thanh bằng (thanh không hay thanh bằng) nghĩa là không có dấu gì ở trên hoặc dưới như từ ກາ này được phát âm là "ca"
- Thanh luyến lên (thanh hỏi) được tạo bởi mái chặt-ta-wa và được viết là "๋" tức là một dấu cộng ở phía trên đầu như từ này ກ໋າ và được phát âm là "cả"
- Thanh luyến xuống (thanh nặng) được gọi là mái thô và được viết là "้ " giống như dấu ngả của tiếng Việt ở phía trên nhưng nó phát âm gần giống thanh nặng trong tiếng Việt như từ này ກ້າ và được phát âm là "cạ"
Riêng “thanh luyến xuống” (hay còn gọi là “thanh lên - xuống khoóng ại) hoặc "độc" = "đôộc", "đọc" = "đoọc"... Mặc dù tiếng Lào có đến 5 thanh điệu, song lại khác nhau về đường nét âm điệu. Thanh điệu tiếng Việt đối lập nhau ở hai cao độ cơ bản: cao độ cao và cao độ thấp. Đó là sự đối lập về âm vực thể hiện khá rõ nét. Do vậy, trong quá trình học, LHS vẫn mắc một số lỗi thanh điệu sau:
- Nhầm thanh không dấu sang thanh huyền và ngược lại: LHS nhầm thanh không dấu sang thanh huyền là vì hai lí do sau: thứ nhất, ngay từ khi bắt đầu đã không đạt được độ cao của thanh không dấu mà là của thanh huyền nên càng về cuối âm vực càng thấp làm người nghe có cảm giác giống thanh huyền; thứ hai lúc đầu chú ý đúng độ cao nhưng không giữ được trạng thái bằng phẳng cho đến cuối mà phát âm trầm khi kết thúc. Như vậy, trường độ phát âm đã không được kiểm soát.
Nhầm thanh huyền sang thanh không dấu vì thanh huyền là thanh bằng – thấp nhưng LHS thường làm cho nó giống một thanh bằng – cao. Quan trọng hơn, LHS bị thói quen phát âm thanh không dấu tác động khi phát âm thanh huyền.
- Nhầm thanh ngã sang thanh sắc: Như con hổ thanh con hố; dễ dãi thành dế dái…. Vì tiếng Lào và nhiều ngôn ngữ khác không có thanh ngã nên người nước ngoài thường chỉ quan niệm thanh ngã là thanh có đường nét xuống rồi đi lên rất đơn giản. Quan niệm này đã làm cho nó giống như cách phát âm của thanh sắc. Thực tế, thanh ngã gồm 3 giai đoạn phát âm là: đi lên thoai thoải – đi xuống nhanh, mạnh, tắc – đi lên mạnh kết thúc ở cao độ cao hơn so với lúc bắt đầu. Người học chỉ đảm bảo được giai đoạn đầu và cuối, giai đoạn giữa rất ngắn, cảm giác đứt quãng, khí quản như bị bóp lại thì họ ít làm được. Để khắc phục cho người học, giáo viên cần chú ý họ sự thay đổi đột ngột hướng đi của âm điệu và sự thay đổi độ mạnh của âm thanh. Tuy nhiên, quá trình này phải luyện tập nhiều cho tự nhiên để không cảm thấy mệt khi phát âm thanh ngã. Thực tế cho thấy đây là thanh điệu phát âm khó nhất khi học tiếng Việt.
- Nhầm thanh hỏi sang thanh huyền:
Vì cao độ bắt đầu của thanh hỏi gần ngang với thanh huyền nhưng thanh hỏi sau phần đi ngang (tương tự thanh huyền) thì có đường nét đi xuống rồi đi lên cho cân xứng. Người nước ngoài hay mắc lỗi với thanh này vì đây là thanh gãy, dù không đột ngột và mạnh như thanh ngã nhưng làm cho họ khó thích ứng. Đường nét ban đầu gần giống thanh huyền, phát âm khá dễ nên sau đó họ quên tạo nét gãy và đi lên mà lại giữ nét bằng phẳng như đầu tiên nên cảm giác của người nghe là giống thanh huyền. Chẳng hạn, nhiều LHS phát âm lảm nhảm thành làm nhàm, củ sả thành cù sà.
Thanh sắc phát âm ít bị sai hơn vì nó chỉ xuất hiện trong các âm tiết có kết thúc bằng p, t, c, ch (cách, tắt, bếp, các…). Hơn nữa những âm tiết kiểu này trong tiếng Việt giống trong tiếng mẹ đẻ của người học nên họ dễ tiếp thu hơn. Nếu có nhầm lẫn thì thường nhầm thanh sắc sang thanh không dấu. Lí do là sau khi phát âm phần bằng – cao (khá giống thanh không dấu) của thanh sắc thay vì phải làm đường nét vút cao thì họ lại kéo dài quá mức nên tạo cảm giác giống phát âm thanh không dấu.
Thanh nặng là thanh ít nhầm lẫn nhất vì cảm giác ngắn, đột ngột và mạnh của thanh điệu dễ nhớ hơn so với số còn lại. Nếu LHS có phát âm sai thì thường nhầm sang thanh huyền bởi hai thanh này cùng âm vực.
Một điều lưu ý là, nếu để học viên phát âm từng từ đơn thì khả năng phát âm chính xác thanh điệu rất tốt. Tuy nhiên chuyển sang từ có hai tiếng trở lên hoặc trong một câu thì sự nhầm lẫn giữa các thanh là rất nhiều. Điều này gây cản trở không nhỏ khi họ giao tiếp với người Việt.
Để khắc phục, thời gian đầu, giáo viên có thể luyện phát âm với từng từ đơn sau tăng dần sang các từ nhiều tiếng nhưng chia chúng thanh các nhóm như: theo cặp thanh điệu (không dấu – huyền; ngã – hỏi, ngã – sắc…); theo nhóm thanh điệu: nhóm thấp có thanh huyền – hỏi – nặng, nhóm cao có không dấu – ngã – sắc. Sau đó có thể là các bài tập lựa chọn từ được phát âm đúng trong một câu để học viên quen với một chuỗi liên tục sự thay đổi cao độ. Ví dụ: Chúng tôi chào/ chao bà ấy. Cuối cùng, có thể đề ra bài tập dạng nghe và điền thanh điệu vào các câu giúp học viên tư duy nhanh và nắm bắt được thanh điệu trong tổng thể một chuỗi các từ nối tiếp nhau.
Khi học tiếng Việt như một ngôn ngữ hai, tư duy và tưởng tượng của LHS Lào cũng sẽ bị chi phối rất nhiều bởi tiếng mẹ đẻ. Khi gặp khó khăn trong quá trình tìm từ, học từ, trong quá trình tư duy bằng tiếng Việt, ngay lập tức LHS sẽ tư duy bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Đó cũng là một trong những hạn chế trong đặc điểm nhận thức của LHS Lào. Tuy nhiên, trong quá trình dạy, GV nên biến hạn chế này thành phương thức để dạy từ có hiệu quả cho LHS. GV nên sử dụng các bài tập đối chiếu giữa tiếng Việt với tiếng mẹ đẻ để kích thích từ duy, trí tưởng tượng của LHS, giúp LHS học tiếng Việt tốt hơn. Vì vậy, trong giảng dạy, GV cần phải chú ý những đặc điểm chung và riêng trong ngôn ngữ Lào và Việt để có thể điều chỉnh nội dung và phương pháp dạy cho phù hợp, tạo cho các em sự tự tin thoải mái khi học tiếng Việt.
2. Về bảng chữ cái
a. Chữ cái tiếng Việt
Chữ viết là hệ thống các ký hiệu để ghi lại ngôn ngữ dạng văn bản, là sự miêu tả lại ngôn ngữ thông qua các ký hiệu hoặc biểu tượng. Chữ viết trong mỗi ngôn ngữ được cấu thành từ bảng chữ cái đặc trưng của ngôn ngữ đó. Đối với mỗi người học ngoại ngữ thì việc làm quen với bảng chữ cái sử dụng cho ngôn ngữ đó là việc đầu tiên hết sức quan trọng. Tiếng Việt cũng vậy, nhưng thực tế là nhiều người nước ngoài có thể nói tiếng Việt nhưng không biết gọi tên các con chữ trong bảng chữ cái tiếng Việt. Khi cần sử dụng, họ lấy cách phát âm bảng chữ cái tiếng Anh để thay thế. Do đó, nhất thiết phải giới thiệu bảng chữ cái tiếng Việt cho người học trong những buổi học đầu tiên. Nhưng lưu ý: người học không cần quá nặng nề về việc nhớ “tên” của các chữ cái, điều đó sẽ gây áp lực, đặc biệt đối với những học viên khó khăn trong việc tiếp thu hoặc những học viên không cùng sử dụng bảng chữ cái Latinh. Và cũng lưu ý đối với GV là phải thống nhất một cách đọc bảng chữ cái, tốt nhất là đọc theo âm khi ghép vần (a, bờ, cờ thay vì a, bê, xê là đọc theo kiểu ký tự).
Bảng chữ cái Tiếng Việt có 29 chữ cái (đây là con số không quá nhiều để nhớ đối với mỗi học viên trong bài đầu tiên tiếp cận tiếng Việt), mỗi chữ cái đều có hai hình thức viết hoặc in lớn và nhỏ. Kiểu viết hoặc in lớn gọi là "chữ hoa", "chữ in hoa", "chữ viết hoa". Kiểu viết hoặc in nhỏ gọi là "chữ thường", "chữ in thường", "chữ viết thường”, được sắp xếp theo thứ tự như sau:
Chữ (viết hoa & viết thường) | Tên chữ | Đọc theo âm |
A a | a | a |
Ă ă | á | á |
 â | ớ | ớ |
B b | bê | bờ |
C c | xê | cờ |
D d | dê | dờ |
Đ đ | đê | đờ |
E e | e | e |
Ê ê | ê | ê |
G g | giê | gờ |
H h | hát | hờ |
I i | i | i |
K k | ca | cờ |
L l | e-lờ | lờ |
M m | em mờ/e-mờ | mờ |
N n | en nờ/e-nờ | nờ |
O o | o | o |
Ô ô | ô | ô |
Ơ ơ | ơ | ơ |
P p | pê | pờ |
Q q | cu/quy | quờ |
R r | e-rờ | rờ |
S s | ét-xì | sờ |
T t | tê | tờ |
U u | u | u |
Ư ư | ư | ư |
V v | vê | vờ |
X x | ích xì | xờ |
Y y | i dài | i |
Trong đó, cách phát âm thứ nhất dùng để gọi các con chữ, cách phát âm thứ hai dùng để đánh vần các từ, ví dụ: ba = bờ a ba; ca = cờ a ca, tôi = tờ ôi tôi. Lưu ý không sử dụng cách phát âm theo tên gọi trong trường hợp này, ví dụ: ba = bê a ba, ca = xê a ca, tôi = tê ôi tôi…
Ngoài các chữ cái truyền thống này, gần đây, ở Việt Nam có một số người đề nghị thêm bốn chữ mới, đó là: f, j, w, z vào bảng chữ cái tiếng Việt. Tuy nhiên, vấn đề này còn đang được tranh luận. Bốn chữ cái "f", "j", "w" và "z" không có trong bảng chữ cái tiếng Việt nhưng trong sách báo có thể bắt gặp chúng trong các từ ngữ có nguồn gốc từ các ngôn ngữ khác, ví dụ: Show biz,… Trong tiếng Việt bốn chữ cái này có tên gọi như sau:
f: ép,ép-phờ. Bắt nguồn từ tên gọi của chữ cái này trong tiếng Pháp là "effe".
j: gi. Bắt nguồn từ tên gọi của chữ cái này trong tiếng Pháp là "ji".
w: vê kép, vê đúp. Bắt nguồn từ tên gọi của chữ cái này trong tiếng Pháp là "double vé".
z: dét. Bắt nguồn từ tên gọi của chữ cái này trong tiếng Pháp là "zède".
Trong bảng chữ cái tiếng Việt có 11 nguyên âm đơn: a, ă, â, e, ê, i/y, o, ô, ơ, u, ư (một số người tính thêm nguyên âm dài nữa là oo (xoong, coong) cho nên tiếng Việt có tới 12 nguyên âm đơn) và 3 nguyên âm đôi với nhiều cách viết: ia – yê - iê, ua - uô, ưa - ươ. Các nguyên âm này khác nhau ở hai điểm chính: Vị trí của lưỡi và độ mở của miệng. Một số đặc điểm cần lưu ý về các nguyên âm này như sau:
Hai nguyên âm a và ă, trên căn bản từ độ mở của miệng lẫn vị trí của lưỡi, đều giống nhau. Chúng chỉ khác nhau ở một điểm duy nhất: a dài trong khi ă thì ngắn.
Hai nguyên âm ơ và â cũng tương tự: ơ dài và â thì ngắn.
Trong các nguyên âm, cần đặc biệt chú ý đến các nguyên âm có dấu (ư, ơ, ô, â, ă) vì chúng khó nhớ và dễ nhầm lẫn khi phát âm.
Thể hiện trong chữ viết, một nguyên âm đơn chỉ xuất hiện một mình trong âm tiết chứ không lặp lại ở vị trí gần nhau, ví dụ như trong tiếng Anh: look, see, zoo,… Trừ một số ngoại lệ rất ít ỏi, chủ yếu vay mượn (quần soóc/soọc, cái soong/xoong) hay tượng thanh (kính coong, boong). Các ngoại lệ này chỉ xảy ra với nguyên âm /o/ và một ít, cực ít, nguyên âm /ô/ mà thôi.
Cũng trên chữ viết, âm ă và âm â không đứng một mình. Khi dạy học sinh cách phát âm, GV có thể dạy theo độ mở của miệng và theo vị trí của lưỡi; hoặc có thể bằng cách liên hệ đến cách phát âm trong tiếng Lào. Cách so sánh này sẽ giúp LHS dễ mường tượng được vị trí của lưỡi trong việc phát âm – điều mà họ không thể nhìn thấy qua việc quan sát thầy cô giáo trong lớp. Từ bảng chữ cái, tiếng Việt có phần lớn các phụ âm được ghi bằng một chữ cái duy nhất: b, t, v, s, x, r… Có 9 phụ âm được ghi bằng hai chữ cái ghép lại:
Ph (phở, phim, phấp phới)
Th (thướt tha, thê thảm)
Tr (tre, trúc, trước, trên)
Gi (gia giáo, giảng giải )
Ch (cha, chú, che chở)
Nh (nhỏ nhắn, nhẹ nhàng)
Ng (ngây ngất, ngan ngát)
Kh (không khí, khập khiễng)
Gh (ghế, ghi, ghé, ghẹ)
Có một phụ âm được ghi bằng ba chữ cái: Ngh (nghề nghiệp)
Và trong tiếng Việt có ba phụ âm được ghi bằng nhiều chữ cái khác nhau:
/k/ được ghi bằng:
K khi đứng trước i/y, iê, ê, e (kí/ký, kiêng, kệ, kẻ);
Q khi đứng trước bán nguyên âm u: qua, quốc;
C khi đứng trước các nguyên âm còn lại: cá, cơm, cóc, cốc,…
/g/ được ghi bằng:
Gh khi đứng trước các nguyên âm i, iê, ê, e (ghi, ghiền, ghê, ghẻ);
G khi đứng trước các nguyên âm còn lại
/ng/ được ghi bằng:
Ngh khi đứng trước các nguyên âm i, iê, ê, e (nghi, nghiêng, nghệ, nghe);
Ng khi đứng trước các nguyên âm còn lại.
Học bảng chữ cái tiếng Việt sẽ đơn giản hơn đối với LHS sử dụng được tiếng Anh bởi cùng sử dụng chữ cái Latinh. Đối với LHS sử dụng chữ tượng hình như tiếng Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Lào, Thái Lan,… thì ban đầu thường rất khó khăn trong kỹ năng viết, do đó cần thiết phải có vở luyện viết cho LHS viết lại để làm quen với cách viết chữ cái Latinh.
b. Chữ cái tiếng Lào
Trong bảng chữ cái tiếng Lào có 33 phụ âm, cách phát âm của những phụ âm Lào cũng có sự tương đồng với cách phát âm của phụ âm Việt.
- PHỤ ÂM
ກ ຂ ຄ ງ ຈ ສ ຊ ຍ
ko khỏ kho ngo cho sỏ so nho
ດ ຕ ຖ ທ ນ ບ ປ ຜ
đo to thỏ tho no bo po p'ho
ຝ ພ ຟ ມ ຢ ລ ວ ຫ
p'hỏ pho phỏ mo do lo vo hỏ
ຫງ ຫຍ ໜ ໝ ຫລ ຫວ ອ ຮ
ngỏ nhỏ nỏ mỏ lỏ vỏ o ho
1. Ko - ກ: Phát âm như (k) trong tiếng Việt nhưng có thanh hỏi nhẹ. Đứng ở 2 vị trí. Đầu (k) và cuối đọc là (c).
2. Khỏ - ຂ: Phát âm như âm (kh) trong tiếng Việt nhưng có thanh hỏi. Chỉ đứng ở đầu vần.
3. Kho - ຄ: Phát âm như âm (kh) trong tiếng Việt nhưng mang thanh không. Chỉ đứng ở đầu vần.
4. Ngo - ງ: Phát âm như (ng) trong tiếng Việt nhưng mang thanh không. Có 2 vị trí, đều đọc như (ng) trong tiếng Việt.
5. Cho - ຈ: Phát âm như (ch) trong tiếng Việt nhưng có thanh hỏi nhẹ. Chỉ đứng đầu vần. Khi phát âm, mặt lưỡi được đưa lên dính vào hàm ếch rồi đưa luồng hơi từ buồng phổi bật ra trong khi phụ âm (ch) trong tiếng Việt khi phát âm chỉ đưa đầu lưỡi dính vào hàm ếch.
6. Sỏ - ສ: Phát âm như (s) trong tiếng Việt nhưng có thanh hỏi. Phụ âm này chỉ đứng ở đầu vần.
7. Xo - ຊ: Phát âm như (x) trong tiếng việt nhưng có thanh không. Phụ âm này chỉ đứng đầu vần.
8. Nho - ຍ: Phát âm như (nh) trong tiếng Việt nhưng có thanh không. Phụ âm này đứng ở 2 vị trí : đầu vần, đọc như (nh), cuối vần đọc như (i) trong tiếng Việt (thí dụ: nhoi).
9. Đo - ດ: Phát âm như (đ) trong tiếng Việt nhưng có thanh hỏi nhẹ. Phụ âm này đứng ở 2 vị trí: đầu vần đọc như (đ) và cuối vần đọc như (t) trong tiếng Việt
10. To - ຕ: Phát âm như (t) trong tiếng Việt nhưng có thanh hỏi nhẹ. Chỉ đứng đầu vần.
11. Thỏ - ຖ: Phát âm như (th) trong tiếng việt nhưng có thanh hỏi. Phụ âm này chỉ đứng ở vị trí đầu vần.
12. Tho - ທ: Phát âm như (th) trong tiếng Việt nhưng có thanh không. Phụ âm này chỉ đứng đầu vần.
13. No - ນ: Phát âm như (n) trong tiếng Vệt nhưng có thanh không. Phụ âm này đứng ở đầu và cuối vần, đều đọc như (n).
14. Bo - ບ: Phát âm như (b) trong tiếng Việt nhưng có thanh hỏi nhẹ. Phụ âm này có hai vị trí, Đầu vần đọc như (b), Cuối vần đọc như (p).
15. Po - ປ: Phát âm như (p) trong tiếng Việt nhưng có thanh hỏi nhẹ. Chỉ đứng ở đầu vần.
16. Pỏ - ຜ: Phát âm như (p’ỏ) nhưng có thanh hỏi. Chỉ đứng ở đầu vần. Khi đọc hai môi mím chặt lại, bật luồng hơi qua môi thoát ra ngoài, độ mở của môi trên và môi dưới bằng nhau.
17. Phỏ - ຝ: Phát âm như (ph) trong tiếng Việt nhưng có thanh hỏi. Để đọc, đầu lưỡi đặt ở chân hàm răng dưới, khi phát âm hai môi hơi tròn, âm thoát ra hơi có tiếng gió. Đây là âm môi răng.
18. P’o - ພ: Phát âm như (p’) nhưng có thanh không. Phụ âm này chỉ đứng ở vị trí đầu vân. Các phát âm tương tự như (p’ỏ) - hai môi mím chặt lại, bật luồng hơi qua môi thoát ra ngoài, độ mở của môi trên và môi dưới bằng nhau nhưng không có thanh hỏi
19. Pho - ຟ: Phát âm như (ph) trong tiếng việt nhưng có thanh không. Chỉ đứng ở đầu vần.
20. Mo - ມ: Phát âm như (m) trong tiếng Việt nhưng có thanh không. Đứng ở đầu vần và cuối vần và đều đoc là m.
21. Zo - ຢ: Phát âm như (z) nhưng có thanh hỏi nhẹ. Phụ âm chỉ đứng đầu vần, khi đọc, từ tự hạ lưỡi xuống luồng hơi từ buồng phổi được đẩy ra ngoài. Đồng thời, khi phát âm hai môi hơi tròn.
22. Lo - ລ: Phát âm như (l) trong tiếng Vệt nhưng có thanh không. Chỉ đứng đầu vần.
23. Vo - ວ: Phát âm như (v) trong tiếng Việt nhưng có thanh không. Đứng ở đầu vần đọc là vo và cuối vần đọc như sau:
Đọc là (o) khi đứng sau nguyên âm : a, ẹ, e, ệ, ê
Đọc là (u) khi đứng sau nguyên âm: ị, i, ịa, iê, ia, iê
Phụ âm Vo còn là nguyên âm phụ (đọc là o) khi viết kèm với phụ âm đầu vần. Trong trường hợp có dấu thanh thì dấu thanh được đánh trên phụ âm.
24. Hỏ - ຫ: Phát âm như (h) trong tiếng Việt nhưng có thanh hỏi. Phụ âm này chỉ đứng đầu vần. Ngoài ra, phụ âm h còn được ghép với một số phụ âm có thanh cao và phát âm như thanh hỏi trong tiếng việt. Đó là các phụ âm Ngỏ, Nhỏ, Mỏ, Nỏ, Vỏ. Lỏ.
25. Ngỏ - ຫງ: Phát âm như âm (ng) trong tiếng Việt nhưng có thanh hỏi. Chỉ đứng đầu vần.
26. Nhỏ - ຫຍ: Phát âm như (nh) trong tiếng Việt nhưng có thanh hỏi. Phụ âm này chỉ đứng đầu vần.
27. Nỏ - ຫນ: Phát âm như (n) trong tiếng Việt nhưng có thanh hỏi. Phụ ân này chỉ đứng đầu vần.
28. Mỏ - ຫມ: Phát âm như (m) trong tiếng Việt nhưng có thanh hỏi. Chỉ đứng đầu vần.
29. Lỏ - ຫລ: Phát âm như (l) trong tiếng Việt nhưng có thanh hỏi. Chỉ đứng đầu vần.
30. Vỏ - ຫວ: Phát âm như (v) trong tiếng Việt nhưng có thanh hỏi. Chỉ đứng đầu vần.
31. O - ອ: Phát âm (o) trong tiếng Việt nhưng có thanh hỏi nhẹ. Phụ âm này chỉ đứng ở đầu vần, được đọc như (o) như tiếng Việt. Tuy nhiên âm tiết có phụ âm này đứng đầu mang âm của nguyên âm chứ không mang âm của phụ âm: ອະ (ạ) ອາ (a) ອິ (ị) ອີ (i). Phụ âm này còn dùng thay ký hiệu của nguyên âm xໍ khi nguyên âm xໍ. kết hợp với phụ âm cuối vần. Ví dụ: Sỏn (ສອນ) Khỏng (ຂອງ) Kon (ກອນ).
32. Ho - ຮ: Phát âm như (h) trong tiếng Việt nhưng có thanh không. Chỉ đứng đầu vần. Ví dụ: ຮະ(Hạ) ຮາ(Ha) ຮິ(Hị) ຮີ(Hi).
33. Ro - ຣ: Phát âm như (r) trong tiếng Việt khi đứng đầu vần. và thường sử dụng trong các từ mượn của nước ngoài.
- NGUYÊN ÂM (28 nguyên âm)
Khi ghép vần với phụ âm ở trên được sắp xếp theo thứ tự:
+ະ +າ +ິ +ີ +ຶ +ື +ຸ +ູ
ạ a ị i ự ư ụ u
ເxະ ເx ແxະ ແx ໂxະ ໂx ເxາະ +ໍ
ệ ê ẹ e ộ ô ọ o
ເ+ິ ເ+ີ ເ+້ຍ ເ+ຍ ເ+ຶອ ເ+ືອ +ົວະ +ົວ
ợ ơ ịa ia ựa ưa ụa ua
ໄ+ ໃ+ ເ+ົາ +ຳ
ạy ay au ăm
1. +ະ - ạ: Phát âm như (ạ) trong tiếng Việt .
2. +າ - a: Phát âm như (a) trong tiếng Việt .
3. +ິ - ị: Phát âm như (ị) trong tiếng Việt .
4. +ີ - i: Phát âm như (i) trong tiếng Việt .
5. +ຶ - ự: Phát âm như (ự) trong tiếng Việt.
6. +ື - ư: Phát âm như (ư) trong tiếng Việt .
7. +ຸ - ụ: Phát âm như (ụ) trong tiếng Việt.
8. +ູ - u: Phát âm như (ạ) trong tiếng Việt.
9. ເxະ - ệ: Phát âm như (ệ) trong tiếng Việt.
10. ເx - ê: Phát âm như (ê) trong tiếng Việt.
11. ແxະ - ẹ: Phát âm như (ẹ) trong tiếng Việt.
12. ແx - e: Phát âm như (e) trong tiếng Việt.
13. ໂxະ - ộ: Phát âm như (ộ) trong tiếng Việt.
14. ໂx - ô: Phát âm như (ô) trong tiếng Việt.
15. ເxາະ - ọ: Phát âm như (ọ) trong tiếng Việt.
16. +ໍ - o: Phát âm như (o) trong tiếng Việt.
17. ເ+ິ - ợ: Phát âm như (ợ) trong tiếng Việt.
18. ເ+ີ - ơ: Phát âm như (ơ) trong tiếng Việt.
19. ເ+້ຍ - ịa: Phát âm như (ịa) trong tiếng Việt.
20. ເ+ຍ - ia: Phát âm như (ia) trong tiếng Việt.
21. ເ+ຶອ - ựa: Phát âm như (ựa) trong tiếng Việt.
22. ເ+ືອ - ưa: Phát âm như (ưa) trong tiếng Việt.
23. +ົວະ - ụa: Phát âm như (ụa) trong tiếng Việt.
24. +ົວ - ua: Phát âm như (ua) trong tiếng Việt.
25. ໄ+ - ay: Phát âm như (ay) trong tiếng Việt.
26. ໃ+ - ay: Phát âm như (ay) trong tiếng Việt.
27. ເ+ົາ - au: Phát âm như (au) trong tiếng Việt.
28. +ຳ - ăm: Phát âm như (ăm) trong tiếng Việt.
Có thể thấy, bộ âm tiếng Lào và Thái cũng không phát âm được các đồng âm "â" mà chỉ phát âm được "ơ", ví dụ "tây" = "tơi", "ấm" = "ơm". Đặc biệt là tiếng Lào không có chữ cái nào tương đương với "r" nên các từ của Việt Nam có chữ cái "r" đứng đầu khi phiên âm qua tiếng Lào sẽ bị đổi sang "s" hoặc "l" hoặc "gi" (chữ ລ) nhưng rất ít khi được dùng vì chữ cái Lào tương đương với âm "gi" (tức là ຍ) thường vẫn hay bị đọc thành "nh", “g” đọc thành “c”.
Như vậy, việc GV nắm vững được nguyên tắc thanh điệu và cách phát âm như trên của ngôn ngữ Lào sẽ hỗ trợ rất nhiều trong việc giảng dạy cho LHS Lào. Vì một trong những lỗi mà trong quá trình học tiếng Việt của người nước ngoài nói chung và sinh viên Lào nói riêng hay mắc phải là lỗi phát âm, đặc biệt là thường sai thanh điệu. Việc lồng ghép, so sánh đối chiếu giữa ngôn ngữ Lào với với ngôn ngữ Việt sẽ giúp lưu học sinh tiếp thu kiến thức một cách nhanh hơn và dễ hiểu hơn.
- NHỮNG KỸ NĂNG CẦN CÓ CỦA NGHỀ BIÊN - PHIÊN DỊCH TIẾNG ANH
- NÂNG CAO KỸ NĂNG NÓI TIẾNG ANH CHO SINH VIÊN NGÀNH NGÔN NGỮ ANH TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA
- SỬ DỤNG CÁC YẾU TÔ VĂN HÓA TRONG GIẢNG DẠY TIẾNG ANH
- ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG DẠY HỌC NGOẠI NGỮ
- NHỮNG CÁCH HỌC TIẾNG ANH GIAO TIẾP HIỆU QUẢ
- Làm thế nào cải thiện kỹ năng Reading trong IELTS
- MỘT SỐ TRÒ CHƠI NGÔN NGỮ ĐƯỢC ỨNG DỤNG TRONG GIẢNG DẠY TIẾNG ANH
- VAI TRÒ CỦA TRÒ CHƠI NGÔN NGỮ TRONG GIẢNG DẠY TIẾNG ANH
- Phương pháp giúp cải thiện kỹ năng Viết tiếng Anh
- Hoạt động nghe trong giảng dạy kỹ năng nghe tiếng Anh