CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI WEBSITE  KHOA NGOẠI NGỮ TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA, THỂ THAO, DU LỊCH THANH HÓA

MỘT SỐ YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN VIỆC DẠY TIẾNG VIỆT CHO LƯU HỌC SINH LÀO TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA, THỂ THAO & DU LỊCH THANH HÓA

Đăng lúc: 18/09/2023 (GMT+7)
100%

MỘT SỐ YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN VIỆC DẠY TIẾNG VIỆT CHO LƯU HỌC SINH LÀO TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA, THỂ THAO & DU LỊCH THANH HÓA

Đối với mỗi lưu học sinh Lào khi sang Việt Nam học tập, tiếng Việt là chìa khóa dẫn tới cánh cửa thành công. Ai cũng mong học tốt tiếng Việt để phục vụ giao tiếp trong cuộc sống và học tập tại Việt Nam. Ai cũng ước ao, khi về Lào ngoài tấm bằng đại học, còn có thêm một ngoại ngữ để phục vụ xã hội. Mục đích giống nhau nhưng mỗi người chọn một phương pháp  học tập khác nhau.

Muốn học tốt tiếng Việt, bạn phải xác định mục đích, kiến thức, phương pháp và thái độ học tập đúng đắn. Thiếu một trong bốn yếu tố sau bạn khó có thể học tốt tiếng Việt.

1. Mục đích học tập

Theo một số nhà nghiên cứu, có hai mục đích lớn khi học ngoại ngữ: Thứ nhất, để nắm bắt thông tin về mọi mặt của đời sống xã hội từ phía nước ngoài có lợi cho cộng đồng dân tộc mình. Đây được xem là mục đích hướng nội. Thứ hai, ngoại ngữ dùng để chuyển tải thông tin về mọi mặt đời sống xã hội từ trong nước đến với các đối tác nước ngoài. Đây là mục đích hướng ngoại. Hai mục đích này luôn cần thiết cho bất kì một người nào học ngoại ngữ.

Đối với các bạn lưu học sinh Lào học tiếng Việt ngoài mục đích chung, còn có những mục đích cụ thể, thiết thực như:

Học tiếng Việt giỏi để có điều kiện học tập tốt, tiếp thu kiến thức chuyên ngành một cách dễ dàng và tốt nghiệp đại học với kết quả hài lòng nhất. Bạn có thể sống hòa đồng với các bạn sinh viên Việt Nam, có thể tham gia các hoạt động xã hội với cộng đồng người Việt nơi bạn sống.

Nếu bạn học giỏi tiếng Việt, bạn sẽ mở rộng tầm nhìn và tri thức của bản thân, biết thêm về văn hóa và phong tục, tập quán của người Việt, bạn chắc chắn sẽ trở thành con người hoàn hảo hơn.

Khi về Lào, bạn có khả năng giao tiếp và làm việc bằng tiếng Việt, chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm hơn những người khác.

2. Về kiến thức

Tiếng Việt có cấu trúc ba phần cơ bản: ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp. Nếu bạn học tốt ba lĩnh vực này thì sẽ sử dụng thành thạo tiếng Việt như người bản ngữ.

- Về ngữ âm, bạn phải cố gắng phân biệt đúng sáu thanh điệu tiếng Việt khi nghe, nói, đọc, viết. Đây là yếu tố để giúp bạn tự tin làm chủ tiếng Việt. Phân biệt đúng sáu thanh điệu sẽ giúp bạn phát âm rõ ràng, chính xác các từ khi đọc, khi nói và nghe đúng, viết đúng khi cần tạo lập văn bản. Thanh điệu tiếng Việt là yếu tố cơ bản giúp bạn phân biệt và nhận diện nghĩa của tiếng Việt. Đây cũng là mẹo để học từ vựng khi bạn thay đổi thanh điệu của một từ.

Tiếng Việt là ngôn ngữ sử dụng một loạt các tông giọng để diễn tả ý nghĩa. Muốn làm quen với ngữ điệu và cách phát âm của người Việt, thì nghe nhạc và xem phim Việt là cách hiệu quả nhất. Thông qua việc nghe nhạc, xem phim Việt Nam hàng ngày bạn sẽ tạo được một thói quen về phát âm và nắm vững giọng điệu của lời nói.

- Về từ vựng, bạn nên học tích lũy mỗi ngày một ít. Một doanh nhân thành đạt người nước ngoài đã học tiếng Việt bằng cách dán những mẩu giấy vàng khắp nơi trong nhà mình để xuống bếp pha một tách cà phê, vào nhà tắm cạo râu hay dùng điều khiển ti-vi để đổi kênh, anh ta đều nhìn thấy những từ ghi trên đó. Khi anh đã thuộc những từ này sẽ thay bằng những từ mới. Bằng cách này, ngày nào anh cũng học được khoảng 10 từ, học cả 7 ngày trong tuần.

Bạn hãy chia thành nhiều chủ đề khác nhau để học từ vựng tiếng Việt một cách hệ thống như: bản thân, gia đình, bạn bè, thầy cô, học tập... Bạn nên học quan tâm đến trường từ vựng và vị trí, chức năng của từ trong hệ thống. Bạn có thể lập sơ đồ tư duy để học từ vựng theo chủ đề, vừa dễ nhớ, dễ sử dụng khi cần thiết.

- Về ngữ pháp, bạn nên so sánh giữa tiếng Việt và tiếng Lào để thấy đặc điểm chung, riêng của hai ngôn ngữ và lĩnh hội kiến thức một cách sâu  sắc nhất. Bởi vì, tiếng Việt và tiếng Lào cùng loại hình ngôn ngữ đơn lập.

Thông thường, những học sinh học bài bản ngữ pháp có thể nghe hiểu tốt nhưng phản xạ nói lại rất chậm, vì họ luôn cố gắng nhớ lại và nói đúng ngữ pháp. Họ rất sợ nói sai. Vì vậy nguyên tắc khi luyện nói bạn phải tự động viên mình “Không sợ sai, sai giáo viên sẽ sửa, sửa sẽ nhớ”.

Nếu học tiếng Việt, bạn không mắc lỗi, có nghĩa là bạn không học được gì. Nhiều khi bạn bị mắc những lỗi nhỏ khi nói tiếng Việt với người Việt Nam nhưng điều quan trọng là những gì bạn rút ra sau khi mắc lỗi. 

3. Về phương pháp học tập

Xác định kiến thức chỉ là bước ban đầu, muốn lĩnh hội kiến thức bạn phải lựa chọn phương pháp học tập phù hợp. Theo tôi, để học tốt tiếng Việt bạn nên học mọi lúc, mọi nơi. Bạn có thể học trên lớp, học ở nhà, học trong sinh hoạt hàng ngày với bạn bè, thầy cô hoặc người Việt nam bất kì nào mà bạn có dịp tiếp xúc. Bạn đi chơi, đi chợ, đi du lịch và trao đổi với mọi người là cách học thực tế và hiệu quả nhất. Bạn đừng chăm chú ngồi ở phòng sách suốt ngày vì học như vậy sẽ rất mệt. Theo kinh nghiệm của tôi, một người thích nói chuyện, thích giao tiếp thường học ngoại ngữ tốt hơn một người thích học ngữ pháp và học trong sách vở.

Bạn phải để sổ từ, bút bên mình để ghi lại những từ mới và ôn luyện những từ đã được học một cách thường xuyên.

Bạn hãy học tiếng Việt qua bài hát, qua các câu chuyện cười khi một mình. Bạn hãy nhiệt tình, sôi nổi khi tham gia các Câu lạc bộ tiếng Việt và các hoạt động trải nghiệm do khoa, trường tổ chức.

Bạn hãy đến thăm gia đình thầy cô, cùng vui vẻ chế biến các món ăn Việt Nam, vừa gắn kết tình cảm, vừa học được ngôn ngữ, văn hóa của người Việt Nam. Đặc biệt học tiếng Việt giao tiếp càng nhiều càng tốt, càng học với nhiều người càng rèn luyện được khả năng nghe và phản xạ ngôn ngữ. Vì thế, càng học tiếng Việt ở mức độ cao càng phải nói chuyện nhiều với người Việt Nam.

Một nghiên cứu gần đây cho thấy rất nhiều người có cách học riêng mà họ yêu thích. Nếu bạn là người yêu thích hình ảnh, bạn có thể tạo ra một mối liên hệ giữa tiếng Việt và hình ảnh. Ví dụ bạn có thể xem phim có phụ đề tiếng Việt, cố gắng hình dung mình đang ở trong ngữ cảnh cần sử dụng tiếng Việt giao tiếp, liên tưởng các từ cần học với các hình ảnh. Nếu bạn là người có sở thích nghe, thì bạn hãy nghe càng nhiều bài hát tiếng Việt càng tốt và xem các phim tiếng Việt. Còn nếu bạn là người có đầu óc phân tích, hãy dành nhiều thời gian để học ngữ pháp trong sách vở và so sánh tiếng Việt với tiếng Lào.

Internet đã mang đến nhiều lợi ích cho người học ngoại ngữ. Bạn hãy bớt chút thời gian lên mạng chơi game, xem facebook để vào các trang học tiếng Việt online. Bạn có thể tìm trên internet nhiều website hữu dụng để học từ vựng, ngữ pháp tiếng Việt.

4. Về thái độ học tập

Có thể bạn học tiếng Việt với những mục đích khác nhau nhưng khi đã học bất kì một ngoại ngữ nào đó bạn cũng cần phải yêu nó. Hãy luôn nghĩ về tiếng Việt và thực hành nó mọi lúc, mọi nơi, giống như luôn nghĩ về người yêu bạn vậy. Tiếng Việt rất dễ nhưng cũng rất khó bởi vì nó đòi hỏi người học phải nhiệt tình và kiên nhẫn.

Bạn nên chủ động, tự giác, tích cực sáng tạo trong việc học tập của cá nhân. Bạn hãy học vì sự yêu thích, khám phá chứ không phải để đối phó với thầy cô, bố mẹ.

Đặc biệt, bạn nên quan tâm tới sự phản hồi của giáo viên về kết quả học tập của mình để sửa chữa những sai sót và phát huy những thế mạnh của bản thân. Bạn không nên nản chí hoặc xấu hổ khi sử dụng sai tiếng Việt.

Học bất cứ ngoại ngữ nào cũng cần có môi trường để rèn luyện. Vì thế mà bạn cần dành nhiều thời gian khi ở Việt Nam để  học tiếng Việt nhanh nhất. Khi bạn được đặt trong một tình huống mà bạn phải nói được ngôn ngữ để giao tiếp cơ bản, bạn sẽ học hiệu quả hơn nhiều.  Mỗi người có những kinh nghiệm riêng của cá nhân để học tốt ngoại ngữ mà mình lựa chọn. Mong rằng, những kinh nghiệm trên đây sẽ giúp ích cho bạn trong việc học tốt tiếng Việt.