CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI WEBSITE  KHOA NGOẠI NGỮ TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA, THỂ THAO, DU LỊCH THANH HÓA

MỘT SỐ KỸ THUẬT PHÁT ÂM TIẾNG VIỆT CHO LƯU HỌC SINH LÀO

Đăng lúc: 17/05/2023 (GMT+7)
100%

 MỘT SỐ KỸ THUẬT PHÁT ÂM TIẾNG VIỆT CHO LƯU HỌC SINH LÀO

Khi học một ngoại ngữ, vấn đề đầu tiên mà người học phải đối mặt là phát âm. Đây là cơ sở giúp cho người học ngoại ngữ có thể hiểu và sử dụng đúng ngôn ngữ đích để giao tiếp một cách thành thạo. Đối với lưu học sinh Lào, việc nắm vững một số kỹ thuật phát âm tiếng Việt giúp LHS có thể lĩnh hội ngôn ngữ đích (tiếng Việt) được chuẩn xác hơn.

1. Một số kỹ thuật phát âm tiếng Việt

1.1. Nguyên tắc phát âm tiếng Việt

Khi học tiếng Việt như một ngoại ngữ, luyện phát âm là rất quan trọng bởi nó ảnh hưởng không nhỏ đến việc học từ vựng, chính tả và ngữ pháp tiếng Việt sau này. Trong các giáo trình tiếng Việt cho người bắt đầu học tiếng Việt, phần luyện phát âm thường chiếm một dung lượng tương đối lớn. Giai đoạn này người học cần tích cực luyện phát âm, nắm vững hệ thống, phương thức phát âm tiếng Việt nhằm tạo một ý thức, thói quen phát âm đúng. Tránh lỗi phát âm trở thành thói quen trở về sau sẽ ảnh hưởng đến việc học chính tả và từ vựng tiếng Việt. Trên cơ sở đó khi phát âm tiếng Việt, lưu học sinh cần lưu ý:

- Học phát âm phải gắn liền với việc luyện nghe, vì học viên chỉ phát âm đúng khi nghe đúng.

- Bài luyện phát âm nên có hình ảnh minh họa trực quan sinh động.

- Bài luyện phát âm phải vui, có nghĩa, có tính giao tiếp.

- Bài luyện phát âm đảm bảo phát âm theo tiếng chuẩn và phân biệt với phương ngữ. Đối với tiếng Việt, phương ngữ Bắc, Trung hay Nam đều là những biến thể của một tiếng Việt chuẩn mà chúng ta thường dựa vào chữ viết (cũng đã được chuẩn hóa) để làm tiêu chuẩn cho việc phát âm. Do vậy, GV dạy tiếng Việt cần phát âm theo tiếng chuẩn khi dạy.

1.2. Kỹ thuật phát âm tiếng Việt

1.2.1. Phát âm âm tiết

- Nhận diện và phát âm:

Kỹ thuật được áp dụng phổ biến ở bước dạy này là “nghe và lặp lại”. Hầu như giáo viên  nào cũng áp dụng thủ pháp này khi dạy người bắt đầu học tiếng Việt. LHS có thể lặp lại chính xác âm tiết vừa nghe đối với những âm tiết quen thuộc với tiếng “mẹ đẻ” của mình. Tuy nhiên, đối với những âm tiết xa lạ, việc nhận diện không dễ dàng. Gặp trường hợp này, LHS cần nghe nhiều và phân biệt được những âm tương tự nhau mà LHS khó phân biệt được.

Ví dụ:

                       

[b]

[v]

        bà

        bề

        biệt

về

việt

           

Những cặp âm mà SV nước ngoài thường phát âm sai phổ biến nhất là:

- Phụ âm đầu: l-r, b-v, n-ng, k-kh

- Nguyên âm: ê-e, o-ô, ư-ươ, â-ơ, ă-a

- Phụ âm cuối: ch-c, ng-c, c-p...

- Nâng cao khả năng phản xạ:

Khi LHS đã nhận diện được các âm tiết, cần nâng cao khả năng phản xạ bằng cách đọc nhiều từ có thanh điệu khác nhau để thực hành phát âm thanh điệu.

Ví dụ:

nho

nhò

nhó

nhỏ

nhõ

nhọ

nhi

nhê

nhe

nhu

nhô

nho

 

Đối với thao tác này giúp SV có thể nhanh chóng phân biệt được thanh điệu khi phát âm giữa các âm tiết hoặc giữa những âm tiết phát âm gần nhau. Nó vừa củng cố khả năng nghe của SV vừa giúp SV phát âm đúng thanh điệu và cấu tạo âm tiết của tiếng Việt đồng thời như một cách rèn luyện chính tả cho giai đoạn sau này.

1.2. 2. Phát âm chuỗi âm tiết

Những lỗi phát âm trong chuỗi âm tiết thường thuộc về thanh điệu. Ngay cả khi phát âm đúng thanh điệu một âm tiết nhưng không có nghĩa phát âm đúng khi phát âm cả chuỗi âm tiết. Trong một chuỗi âm tiết, SV thường phát âm sai thanh điệu theo cả hai xu hướng đồng hóa và dị hóa. Cụ thể:

- Xu đồng hóa: thanh điệu của một âm tiết được phát âm giống với một thanh điệu khác ở âm tiết trước hoặc sau nó.

- Xu hướng dị hóa: thanh điệu của một âm tiết trong chuỗi âm tiết có cùng thanh điệu được phát âm thành một thanh khác.

Tuy nhiên, Tiếng Lào cũng giống như tiếng Thái luôn có 5 thanh điệu tương đương với 5 thanh điệu của tiếng Việt, nhưng có một thanh điệu được gọi là luyến lên - luyến xuống lại được biến đổi tùy từng trường hợp sử dụng phù hợp với ngữ cảnh và sắc thái biểu cảm để có lúc thì phát âm như thanh sắc nhưng cũng có khi lại được phát âm như thanh nặng của tiếng Việt. Gồm:

- Thanh cao ( tương ứng với thanh sắc)

- Thanh thấp (tương ứng với thanh huyền)

- Thanh bằng (tương ứng với thanh không hay thanh bằng) nghĩa là không có dấu gì ở trên

- Thanh luyến lên (tương ứng với thanh hỏi)

- Thanh luyến xuống (tương ứng với thanh nặng) phát âm gần giống thanh nặng trong tiếng Việt.

Sự gần nhau về thanh điệu này giúp SV Lào có thể dễ dàng tiếp cận hơn trong việc phát âm tiếng Việt. Vì không có thanh “ngã” nên hầu như các âm tiết có thanh “ngã” SV Lào đều phát âm giống thanh “huyền” hoặc thanh “nặng”. Để khắc phục lỗi này, LHS có thể phát âm chuỗi âm tiết có ghi dấu thanh của các âm tiết. Lúc đầu đọc chậm. Sau đó nhanh dần và phát âm liên tục.

Như vậy LHS muốn phát âm chuẩn tiếng Việt trước hết phải phát âm đúng thanh điệu. Việc phát âm chuẩn tiếng Việt cũng sẽ là tiền đề để LHS sử dụng từ vựng và chính tả được tốt hơn. Tránh việc tạo thành thói quen phát âm sai sẽ dẫn đến việc dùng từ vựng sai và sử dụng sai quy tắc chính tả tiếng Việt.