CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI WEBSITE  KHOA NGOẠI NGỮ TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA, THỂ THAO, DU LỊCH THANH HÓA

DẠY TIẾNG VIỆT CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI

Đăng lúc: 01/06/2023 (GMT+7)
100%

 DẠY TIẾNG VIỆT CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI

Trong thời kỳ Việt Nam hội nhập với quốc tế trên nhiều lĩnh vực tiếng Việt càng trở nên vô cùng quan trọng. Bên cạnh việc học ngoại ngữ của người bản ngữ, việc dạy tiếng Việt cho người nước ngoài tức tiếng Việt được xem là một ngoại ngữ ngày càng phát triển. Điều này thật dễ hiểu vì muốn hợp tác với Việt Nam các đối tác cần hiểu rõ con người Việt Nam, phong lục tập quán của Việt Nam. Một cách tốt nhất để thấu hiểu linh hồn của một dân tộc là phải thông hiểu tiếng nói của dân tộc ấy. Chính vì thế không những các nhà ngoại giao, các nhà văn hóa mà ngay cả các doanh nhân khi bắt tay với Việt Nam trong bất kỳ lĩnh vực nào không chỉ cần có mối bang giao giữa hai nước, không chỉ căn cứ tiềm lực kinh tế, kỹ thuật v.v. mà cũng cần biết tiếng Việt ở những mức độ cần thiết khác nhau.

Khi học viên nhớ chính xác thứ tự chữ cái tiếng Việt, người dạy chỉ cần bổ sung thêm những chữ cái Tiếng Việt cần có. Điều này không chỉ thuận tiện cho người học mà người dạy dễ dàng giúp cho học viên nhanh chóng thuộc lòng bảng chữ cái Tiếng Việt ngay tại lớp học.

Khi viết chữ cái Tiếng Việt, nên hướng dẫn viết theo quy trình mẫu chữ in thường và in hoa. Sau khi học viên viết tốt, thạo, người dạy có thể giới thiệu và khuyến khích (không bắt buộc) viết theo mẫu chữ viết hiện hành (điều kiện người dạy phải viết đúng mẫu và đẹp, nếu không thì chỉ nên giới thiệu).

Độ cao từng con chữ cần được giới thiệu và thực hành viết ngay lúc này để người học quen dần với cách viết đúng và đẹp.

Khi đọc chữ cái Tiếng Việt nhất thiết phải đọc đúng theo quy định hiện hành.

Người dạy không nên vội vàng yêu cầu người học phải viết theo mẫu chữ viết hoa, viết hoa sáng tạo hoặc mẫu chữ viết thường. Làm như thế người học nếu không có hoa tai, sẽ cảm thấy rất khó khăn, ảnh hưởng tâm lí.

Phân chia phụ âm, nguyên âm ngay sau khi học tốt chữ cái

Sau khi đọc và viết tốt bảng chữ cái cần giúp người học phân biệt, ghi nhớ ngay nguyên âm, phụ âm. Cách phân chia này cũng phải từ bảng chữ cái Tiếng Việt.

Nhìn vào bảng phân chia phụ âm, nguyên âm người học rất dễ hình dung. Những chữ cái khi đọc làn hơi bị cản trở một nơi nào đó trong khoang miệng sẽ là phụ âm. Chữ cái khi đọc làn hơi thoát ra tự nhiên, thoải mái không bị vướng mắc đấy là nguyên âm.

Những phụ âm và nguyên âm nào có thể ghép được để tạo thành phụ âm ghép hay nguyên âm đôi người học cũng nhận ra ngay và thuộc một cách ngẫu nhiên.

Dạy đọc tiếng ngay sau dạy ghép vần

Việc dạy ghép vần, đọc vần là nội dung trọng tâm và rất quan trọng. Người dạy cần chuẩn xác, chỉn chu khi hướng dẫn người học ghép vần cũng như đọc vần.

Bắt đầu từ bảng phân loại phụ âm và nguyên âm, hãy làm thao tác ngược như trong bảng hướng dẫn để người học biết được cách ghép vần. Sau khi được vần chỉ cần lấy phụ âm ghép vào thì được tiếng, hoặc có khi chính vần đó cũng là một tiếng. Và như vậy người học sẽ rất thích ghép để đọc được thành tiếng.

Khi học viên ghép tiếng, người dạy giúp người học nhận ra luật chính tả ngay lúc này rất thuận tiện, dễ ghi nhớ. Chẳng hạn: C không ghép được những vần có âm đầu vần i để tạo thành tiếng. Từ đó hình thành quy tắc chính tả: k + (i, e, ê) và c + những âm đầu vần là những nguyên âm còn lại; g/ gh hay ng/ ngh cũng tiến hành tương tự.

Đọc được tiếng phải dạy ngay từ, giúp người học hiểu ý nghĩa của từ

Muốn người học nhớ vần, nhớ cách ghép phụ âm với vần để được tiếng thì người dạy cần phải chủ đích tạo từ, có thể dùng ngay từ mà người học vừa ghép được. Hãy chọn lọc những từ gần gũi, dễ đọc, dễ nhận thấy, dễ hiểu và có thể nhớ lâu,… như vậy người học sẽ rất vui, ham thích học tập.

Có nhiều cách giải nghĩa từ: So sánh từ, giải thích bằng hình ảnh, bằng cách gợi ra cảm xúc, gán từ vào ngữ cảnh,… Nhưng giải nghĩa từ tiếng Việt bằng tiếng Lào không thể bỏ qua. Điều này rất có ích cho việc dịch câu tiếng Việt sang tiếng Lào và ngược lại ở những giai đoạn sau.

Khi thực hiện bước này, người dạy không nên lạm dụng, sa đà vào việc giải thích từ ngữ. Nên xem việc giải thích từ ngữ là để tạo sự sôi động, lớp học không buồn chán, làm tăng hứng thú người học. Vì vậy chỉ chọn giải thích đại diện một vài từ. Mục tiêu chính của bước này vẫn là đọc đúng.

Tập nói thạo câu ngắn

Đến thời điểm này người dạy phải khéo nâng cao kỹ năng nhận biết tiếng, từ mà người học được tiếp cận bằng cách tập nói câu ngắn có tiếng, từ đã được khám phá. Người dạy không nên giới hạn số lượng tiếng, từ trong câu. Học viên nói tròn câu, đủ ý là được.

Tập nói thạo câu ngắn là bước ngoặc quan trọng có thể xem là chìa khóa kích hoạt độ nhạy bén, khả năng ứng xử linh hoạt của học viên khi sử dụng Tiếng Việt.

Người dạy nên khuyến khích học viên nói theo nhiều cách khác nhau, tuyệt đối không được chê trách hay đánh giá, nhận xét học viên sai. Hãy động viên khuyến khích học viên cảm nhận và nói theo cách hay mà người dạy chủ động nêu ra.

Học viên nói được câu, câu nói đúng ý nghĩa sẽ tăng độ hứng thú học tập lên gấp bội phần. Lớp học sinh động. Điều này thể hiện rõ sự thành công của người dạy và giờ dạy đạt mục tiêu đề ra.

Hiểu cách nói người Việt

Trong quá trình thi nhau nói câu ngắn, người dạy cần giới thiệu thêm với người học về cách nói của người Việt. Cách làm này không chỉ giúp học viên nhận thấy cách nói sai mà người học luôn phát hiện cách nói hay, phù hợp với giọng điệu người Việt.

Cách nói người Việt chỉ nên chia theo 2 kiểu để người học dễ nhớ: Nói vắn tắt, câu tỉnh lược, cách nói này thường dành cho câu hỏi, câu trả lời; nói đầy đủ, câu có đủ 2 bộ phận chính và có thể có các bộ phận phụ, cách nói này rõ ý và hay.

Bước này đòi hỏi sự linh hoạt của người dạy rất cao. Người dạy vừa phải nhạy bén lựa chọn và khéo sử dụng câu vừa tiếp sức sửa chữa câu cho học viên theo nguyên tắc khuyến khích học viên nói, hăng say nói và dần nói hay nói chuẩn; học viên không rụt rè, nhút nhát sợ sai khi tập nói.

Tùy theo thời gian, độ nhạy của người học mà người dạy thực hiện các bước làm trên trong giờ dạy của mình sao cho phù hợp. Chẳng hạn, tôi thường dạy bảng chữ cái (bước 1) trong một giờ, bước 2 – phân chia phụ âm, nguyên âm trong một giờ,…

Sau khi học viên nói tốt câu ngắn, người dạy cần vun đắp sự say mê học tập của học viên bằng những lời khen khi nói được câu dài, câu có ý nghĩa hay đúng cấu trúc ngữ pháp,…. Không dừng lại ở khả năng nói câu mà cần giao việc thêm cho học viên lần lượt viết đoạn giới thiệu theo các chủ đề: Một ngày của bạn; Gia đình của tôi; Bản thân tôi; Thời tiết đất nước tôi; Kinh nghiệm của tôi trong thời gian học Tiếng Việt,….